Phật Giáo Gia Lai: Văn Tưởng Niệm Cố Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN (1917 – 2021).

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì đại dịch Covid-19 đang diễn ra nên chúng con không về được Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) để đảnh lễ trước giác linh.

Hôm nay, chúng con, chư Tăng, Ni thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai  vân tập về Văn phòng Ban Trị sự thiết lập hương án, thành kính dâng hương tưởng niệm công hạnh nối gót chư Phật, chư Tổ tu hành cửa Phật trên thế kỷ  của Ngài.

Trọn thế kỷ tu hành hy hiến cho đạo pháp và dân tộc, Ngài dạy đệ tử bằng thân giáo, bằng gương tiết kiệm không lãng phí tiền của thập phương tín thí, tự làm nông để sinh sống , trường trai phạm hạnh, miên mật tu hành với pháp môn niệm Phật.

Tiếp theo hạnh nguyện của Ngài không gì quý hơn là ôn lại những lời dạy của Ngài trải dài theo năm tháng và quyết lòng tu tập theo lời dạy của Ngài để báo đáp tứ trọng ân và giữ gìn mạng mạch của đạo pháp:

-Tôi trụ thế đến nay 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi.

- Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm. Bốn mùa, các Tăng trong chùa Giáng đều tự trồng lấy rau ăn mà không phải mua ở bên ngoài. Rau trồng ở đây không bón phân vô cơ, không phun thuốc trừ sâu nên đảm bảo luôn sạch, không có chất độc hại.

- Hàng ngày phải dưỡng sinh, tập thể dục, luôn vận động thân thể, sinh hoạt điều độ thì có thể hỗ trợ để tăng cường sức khỏe cơ thể. Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tính, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống trong tinh thần lục hòa thì sẽ tăng được tuổi thọ.

 - Chùa là của sơn môn, Giáo hội ai người nào có trách nhiệm là người đó quản lý.

- Người xuất gia phải có trách nhiệm hiểu giáo lý của đạo Phật. Phải hiểu giáo lý của Phật tổ ra đời vì lẽ gì, để cho người ta có thể chuyên tâm phụng đạo, giữ gìn Phật pháp.

"Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta, mà xuất gia để làm những điều Phật Tổ dạy chúng ta, làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê. Cho nên đi học phải nhớ thực hành"

- Cả đời tôi luôn kính ngưỡng các vị sư tổ chùa Giáng. Các ngài cả đời tận lực vì đạo, cả đời gắng công truyền bá Phật pháp: giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, khắc ván in kinh, lập “Viên Minh pháp hội”, không cầu danh lợi. Tôi được như ngày nay cũng là nhờ nhẫn nại noi tấm gương chư Tổ. Từ khi được học giáo pháp của chư Tổ, tôi luôn ghi lòng tạc dạ “giấy rách phải giữ lấy lề”, kiên trì giữ nền nếp của tổ đình, của Viên Minh pháp hội. Gần như cả cuộc đời tu hành của tôi là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn.

- Những năm kháng chiến chống Pháp, toàn bộ sơn môn bị giặc Pháp đốt hết. Cứ dăm bữa, nửa tháng chúng lại đến càn quét, đốt phá. Làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ. Nhưng tôi xác định, nếu không bám trụ, kiên trì ở lại, không duy trì thì tan nát hết. Cho dù biết rằng ở lại có thể chết, mà ra đi, như một vài huynh đệ của tôi, thì cũng không thể quay về. Mỗi lần chạy loạn đi đâu thì tôi cũng luôn mang theo bên mình những tài sản tinh thần, lịch sử của chư Tổ. Thà chết thì tôi cũng giữ, vì vẫn tin rằng rồi sẽ có cơ phục hồi.

- Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mình tôi trở về nhìn cảnh tan nát mà lòng xót xa, nhưng phải xây dựng lại để nối dòng sơn môn Đa Bảo. Những năm đầu, người ta tổ chức cho dân đi các khu kinh tế mới. Dân ở lại cũng toàn người nghèo, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, làm gì có tiền hay lương thực đem đến cúng chùa. Chúng tôi tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội, việc làng nước. Tôi trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì làm.

 - Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo. Thân hòa cùng ở; miệng hòa không cãi nhau; ý hòa cùng vui vẻ; giới hòa cùng tu; kiến hòa cùng giải - thấy biết kiến thức thì chia sẻ cho nhau hiểu; lợi hòa cùng chia - có của cải, lợi ích thì chia cân nhau không ai tranh tham phần hơn cho mình. Vui với đạo pháp mà quên hết phiền não, xóa bỏ đau khổ cho mình và người khác.Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời thì trên từ quốc gia, dưới đến gia đình, khắp nơi đều an lạc vui vầy.

- Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi. Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, nhưng các vị trong Giáo hội nước ta lại ép, đưa tôi lên ngôi Pháp chủ.Lẽ ra, ngôi vị Pháp chủ chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đầy đủ phúc đức, trí tuệ nắm giữ.Miễn cưỡng ngồi lên ngôi cao, đó không phải là phước mà là cái họa cho chúng tôi. Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện.

Kính bạch Giác linh Ngài !

Tưởng niệm công đức sâu dày của Ngài là tưởng niệm về hình ảnh một “lão nông tăng” sống đời giản dị, mộc mạc, chân chất, đã tận lực cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp hóa độ tăng, ni, phật tử.

Chúng con nguyện hứa trước Giác linh Ngài là luôn gần gũi giúp đỡ chúng sinh đau khổ, luôn hành trì giới luật, giữ gìn đạo pháp tồn tại lâu dài trong thế gian.

Một đời thanh đạm đơn sơ

Trì trai giữ giới qua bờ bên kia

Trên trăm năm rõ nẻo về

Trụ ngôi pháp chủ sơn khê vững bền.

Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội Chứng minh Hội đồng Đệ tam Pháp Chủ húy thượng Phổ hạ Tuệ Đại lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.

----------------------------------

Gia Lai ngày 24 tháng 10 năm Tân Sửu (2021)

Thích Giác Tâm

Phó Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai