TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Trong chương trình tập huấn truyền thông & hành chánh văn phòng do Văn Phòng 2 Trung Ương GHPGVN kết hợp Ban Thông tin Truyền Thông T.Ư và BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang tổ chức tại chùa Sùng Đức, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc từ ngay 19 -22/4/2018, HT Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp – Trưởng giảng sư đoàn Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An có buổi chia sẻ với đề tài “ Truyền Thông Phật Giáo Thời Hiện Đại”.

HT.Thích Minh Thiện chia sẻ

Đây là lớp học dành cho các Trưởng, Phó ban truyền thông của các tỉnh thành, mang tính chất đào tạo những người làm công tác quản lý truyền thông, hành chánh văn phòng. Vì vậy, ngoài lượng kiến thức chuyên ngành các học viên được học đợt một tại chùa Phật Quang, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, các học viên tiếp tục được học quan điểm tư tưởng của T.Ư GHPGVN về công tác báo chí và kiến thức quản trị truyền thông theo hiến chương, nghị quyết của Giáo hội và đường lối của Đảng, của Nhà nước.

Với tính chất của lớp học như vậy, nên HT. Thích Minh Thiện đã chọn đề tài và nội dung gắn liền với thực tiễn mà quý học viên đang thực hiện và định hướng tư tưởng trong quá trình tác nghiệp.

Phần mở đầu, Hòa thượng đã nhắc lại lời chỉ dạy của Hòa Thượng Chủ Tịch GHPGVN đó là truyền thông Phật giáo là ẩn ác, dương thiện, là làm cho từ bi trí tuệ của đạo Phật được lang tỏa và là một kênh hoằng pháp. Tiếp theo nội dung, Hòa thượng đã nhấn mạnh truyền thông có Phật giáo có từ thời Phật, hình ảnh đức Phật và Tăng đoàn đi khất thực đó là phương tiện truyền thông, hình thức truyền thông sơ khái của Phật giáo. Và đó chính là truyền bá trí tuệ, từ bi và hình ảnh chân thiện mỹ, làm tịnh hóa, hướng thượng cho nhân loại hướng đến.



Thích An Tấn – Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Long An

Dưới đây, chúng tôi xin được chia sẻ nội dung bài giảng của Hòa thượng, sau khi xin phép Ngài và đã được Ngài đồng ý để quý độc giả tham khảo.

TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Hòa thượng Thích Minh Thiện

  1. DẪN NHẬP

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ một cách vượt bậc. Sự ra đời của mạng lưới internet, là một phát minh lớn của nhân loại. Nó đã tạo cho xã hội loài người một phương thức truyền tải thông tin từ người này đến người khác, từ cá nhân đến tổ chức, quần chúng, cộng đồng… một cách nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao trong mối quan hệ. Việc sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại đối với các cá nhân, tập thể hay tổ chức trong công việc giao tiếp, buôn bán, điều hành, quản lý, tuyên truyền, vận động… là tiện dụng và cần thiết.

Hòa mình trong dòng chảy và sự vận hành của xã hội hiện đại hội nhập và phát triển, Phật giáo xem sự nhận biết được tầm quan trọng của phương tiện truyền thông trong thời hiện đại là điều tối ưu và cần thiết. Việc hiểu biết và sử dụng phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp của Đức Phật đến với mọi người là một phương pháp truyền bá đạo pháp được xem là hiệu quả nhất trong thời đại đa phương tiện.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ưng GHPGVN đã thành lập Ban thông tin truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi phật sự và truyền bá chánh pháp. Đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2018) thì nghị quyết Đại hội lại xem “Đẩy mạnh Truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …tạo động lực cho công tác truyền thông phát triển các hoạt động phải lan tỏa đến tất cả các nơi trong nước và ngoài nước…”.

Chính vì vậy, hôm nay chúng tôi xin được chia sẻ với đại chúng đề tài “Truyền thông Phật giáo thời hiện đại”. Hy vọng rằng với những hiểu biết và nhiệt tình của mình về truyền thông sẽ phần nào giúp cho đại chúng nhìn nhận đúng bản chất tích cực của truyền thông trong Phật giáo, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

  1. NỘI DUNG
  2. Khái niệm truyền thông.

Truyền thông là gì ? Truyền thông (communication) là hoạt động truyền đạt ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các mệnh lệnh của đối tượng muốn truyền đạt đến các đối tượng nhận sự truyền đạt đó qua hình ảnh, âm thanh, lời nói, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác như thông qua máy móc thiết bị, điện từ, hóa chất, hiện tượng vật lý, mùi vị..v.v… Và quá trình truyền thông được coi là hoàn tất khi đối tượng tiếp nhận, nhận biết được thông tin từ đối tượng gởi đến[1].

Vd: chúng tôi nói quý vị ngồi phía dưới nghe và tiếp nhận, hoặc quý vị nói chúng tôi nghe, đây gọi là truyền thông. Hoặc chúng tôi dùng điện thoại nhắn tin hay gọi điện, gửi mail đến một người nào đó và người đó nhận được tín hiệu của chúng tôi….đó gọi là truyền thông.

Như vậy, mục đích của truyền thông là truyền tải những thông tin làm cho đối tượng khác nghe, thấy, biết, thông hiểu được ý người muốn truyền đạt. Từ đó đưa đến sự đồng cảm nhất quán trong đời sống và trên mọi lĩnh vực.

  1. Truyền thông đại chúng.

Truyền thông đại chúng được hiểu chung là một quá trình có định hướng nhằm truyền đạt thông tin tới những đối tượng mục tiêu đại chúng bằng các phương tiện truyền thông đại chúng để phục vụ mục đích đã được đề ra.

Các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện thông tin đại chúng là các phương tiện được sử dụng để truyền đạt thông tin một cách đại chúng, rộng rãi, tức là có khả năng đưa thông tin tới đối tượng đại chúng[2].

Ví dụ: báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, sách , internet…

  1. Sự ảnh hưởng chi phối của truyền thông trong đời sống hiện đại.

Sự phát triển tột bậc của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi toàn diện xã hội hiện đại, việc nắm bắt thông tin quan trọng của thế giới, quốc gia, đại chúng không còn khó khăn, không cần đi đến hội trường trung tâm, đình làng như ngày xưa; mà chỉ cần ở nhà mở tivi, radio, vi tính, Ipad, hoặc một chiếc điện thoại thông minh (smastphone) là có thể nghe, thấy, theo dõi nắm bắt một cách trực tiếp những gì đang xảy ra. Thậm chí mua đồ dùng cho cá nhân, gia đình… đôi khi cũng không cần ra chợ hoặc cửa hàng, mà chỉ cần điện thoại mua hàng trực tuyến trên mạng xã hội là có người đem đồ đến trao tận tay ngay tại nhà.

Sức ảnh hưởng và chi phối của truyền thông trong đời sống xã hội vô cùng mạnh mẽ, hầu như tất cả các vấn đề trong xã hội: về kinh tế, quân sự, chính trị xã hội, văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí, kinh doanh và cả lĩnh vực tôn giáo…. Việc sử dụng những tiện ích của phương tiện truyền thông thời hiện đại đã giúp con người thỏa mãn được nhu cầu về thông tin liên lạc, những sinh hoạt thường ngày, cũng như sự vận hành của xã hội trong vùng lãnh thổ và cả trên thế giới. Thật không quá chút nào khi nói “chỉ cần nhấn nút một cái là biết hết tất cả mọi chuyện”, từ đó cho chúng ta thấy rằng sự truyền tải nhanh chóng của phương tiện truyền thông trong thời hiện đại như thế nào.

Quả thật vậy, khi chúng ta tìm hiểu về phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thẩm thấu được phần nào câu nói của chư vị Thiền Sư: “nhất cử động tam thiên”. Ngày xưa khi nghe câu nói ấy, chúng ta cứ tưởng rằng chỉ có những vị Thiền sư tu tập chứng đạt mới làm được điều đó, nhưng ngày nay điều đó đã thành hiện thực; chỉ cần một sự kiện nhỏ nhoi ở trong xóm làng xảy ra thôi là cả thế giới đều biết rõ. Và việc liên lạc, nói chuyện trực tiếp với mọi người cũng rất dễ dàng cho dù người ấy ở cách xa nửa vòng trái đất.

Sức mạnh của phương tiện truyền thông thời hiện đại, tuy là ảo, là phi vật chất nhưng nó lại tác động thật, trực tiếp đến suy tư, nhận thức đời sống của con người và xã hội một cách mạnh mẽ.

Đứng trước sự tương tác mãnh liệt của phương tiện truyền thông kỷ thuật số trong đời sống xã hội, Phật giáo cũng bị nó tác động không nhỏ vào đời sống tu hành, học tập của Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Việc tiếp cận, nắm bắt và sử dụng phương tiện truyền thông trong thời đại công nghệ 4.0, đang là những cơ hội để hoằng truyền đạo pháp và cũng là thách thức lớn cho Phật giáo ngày nay.

  1. Truyền thông trong Phật giáo

4.1. Truyền thông thời Đức Phật

Nói về truyền thông Phật giáo, không phải chỉ mới thời đại hôm nay truyền thông Phật giáo mới có mặt. Khi đức Thích Ca Mâu Ni chứng thành đạo quả, xuyên suốt 49 năm Ngài đã mang sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh. Mỗi khi Ngài chuyển Pháp luân vang đến Tam Thiên – Đại Thiên và lợi lạc cho tất cả trời người. Nhưng hơn tất cả, truyền thông Phật giáo đã tồn tại không bằng vũ khí, phương tiện và công nghệ, không dựa vào một nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ, lòng từ bi và đức hạnh.

 “Hãy ra đi, này các Tỳ Kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liên cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch[3].

Như vậy, Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên cùng các thánh đệ tử của mình đi truyền bá giáo lý, vì lòng từ bi, vì trí tuệ phổ tế chúng sanh . Không có một nơi ở nhất định, một mình và không tiền của, những nhà truyền giáo đầu tiên ấy đi đây đi đó để truyền dạy Giáo Pháp.

Tăng đoàn là đại diện của đức Phật tồn tại ở thế gian. Đó là giáo đoàn gồm những vị xuất gia truyền thừa qua nhiều thế hệ, sống theo tinh thần giới luật của Phật chế định. Hơn 2.500 năm qua, Tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo pháp của đức Phật, khiến cho gia tài chánh pháp của Ngài không bị mai một mà ngày càng thêm đa dạng và phong phú hơn.

Sự tồn tại của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian), bởi vì Tăng đoàn tượng trưng cho Tam Bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chánh pháp truyền thừa mạng mạch. Tăng cũng chính là hiện thân của những vị Thánh giả, những người đã giác ngộ chân lý tối thượng siêu xuất thế gian. Lúc bấy giờ truyền thông của Phật giáo chủ yếu bằng lời nói, hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm thánh thiện, những cử chỉ nhẹ nhàng dễ mến và bằng tất cả tâm lực để truyền tải giáo pháp đến cho mọi người “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sanh tử sự, giáo hóa độ xuân thu”.

Từ đó  truyền thông tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Đây thực sự là vấn đề quan trọng phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông, vào mỗi thế hệ tiếp nối của những người vì tương lai của Phật giáo. Như vậy, người làm công tác truyền thông Phật giáo cũng chính là những người đang làm công tác hoằng truyền giáo pháp.

4.2. Truyền thông Phật giáo trong thời hiện đại.

Trải qua hơn 2.500 năm lịch sử, truyền thông Phật giáo tiếp tục tồn tại, nhưng với những hình thức và phương pháp khác nhau, hơn hết là những con người làm truyền thông khác nhau. Nhưng dù thời gian có thay đổi, không gian có biến dịch thì Tham lam, Sân hận và Si mê hay nói dễ hiểu hơn là sự khổ đau của con người vẫn không hề kết thúc. Xã hội đã thay đổi nhiều, và sự thay đổi đó có thể sẽ đặt mối quan hệ này trên một vị thế mới. Từ một trật tự xã hội truyền thống sang một trật tự xã hội hiện đại, và sau đó là sang một trật tự xã hội công nghệ.

Ngày nay, dấu hiệu dễ nhận ra của sự thay đổi này là từ việc chú trọng vào các mạng xã hội và truyền tải thông tin. Sự chuyển giao này đã xảy ra xuyên suốt thế kỷ XIX ở các nước phương Tây và các tầng lớp xã hội tân tiến của các nước trên thế giới. Sự thay đổi này trong truyền thông có thể nói chúng ta đang đi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền văn minh dựa trên sản xuất sang nền văn minh dựa trên tri thức.

Sự chuyển giao sang một xã hội “phương tiện truyền thông, thông tin nhạy bén” đã làm biến đổi bản chất của mối quan hệ truyền thông Phật giáo và xã hội một cách đáng kể. Điều này, sẽ làm cho truyền thông Phật giáo phải đưa ra những giải pháp mới để giữ được sự thích hợp. Căn cứ trên những xu hướng hiện tại, chúng ta thử phác họa nên những vai trò quan trọng phải đối mặt với những người làm truyền thông như chúng ta nhận thấy.

Như vậy truyền thông Phật giáo thời hiện đại như thế nào ? Lợi ích và kết quả của truyền thông Phật giáo như thế nào ? phương pháp ra sao ? Có những thuận lợi và khó khăn gì trong truyền thông Phật giáo ngày nay ?

– Xoay quanh vấn đề truyền thông Phật giáo thời hiện đại, là một vấn đề hết sức cấp yếu và nhạy cảm của Phật giáo trong nước cũng như trên thế giới. Với sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại về vật chất, đời sống, sinh hoạt cũng như những giá trị về đạo đức tâm linh cũng theo đó mà đổi thay.

Phật giáo chúng ta cũng bị sự chi phối của xã hội không nhỏ đến đời sống tu hành phạm hạnh của Tăng ni của Phật tử, nạn tương tợ sư, giả sư với những hành vi bất thiện làm ảnh hưởng đến uy tín phật giáo . Bên cạnh đó là sự rò rỉ về những thông tin bất lợi, sai lệch trong cộng đồng Phật giáo, cũng như sự xuyên tạc, nhiễu loạn, những thông tin kích động chống đối gây xung đột của một số thành phần trong xã hội.

 Hơn bao giờ hết, ngay lúc này sự cần thiết của truyền thông Phật giáo là phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giữ gìn giềng mối Phật pháp, truyền bá Chánh pháp, cũng như định hướng dư luận xã hội, kịp thời chấn chỉnh những thông tin sai lạc, nêu cao giá trị đời sống đạo đức tâm linh của người con Phật đến với cộng đồng xã hội.

– Phương pháp hay phương tiện truyền thông trong Phật giáo. Ở điểm này đa số chúng ta hay bị nhầm lẫn với lại Ban thông tin truyền thông của giáo hội; hay chỉ cho những người làm công tác truyền thông mới truyền thông được. Đối với Phật giáo tất cả những người con Phật dù là Tăng Ni hay Phật tử vẫn làm công tác truyền thông. Bởi vì mục đích của truyền thông là làm thế nào để cho người khác nghe, thấy, biết và hiểu được vấn đề, để rồi từ đó đưa đến đời sống tốt đẹp và toàn thiện. Như vậy, truyền thông trong Phật giáo chính là một trong những phương pháp để giáo dục con người, vẫn chủ yếu dựa trên ba hình thức tiêu biểu đó là thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Về cách thức để truyền thông hay phương tiện truyền thông thì tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của mỗi người, mỗi trú xứ, mỗi thời kỳ mà có những cách thức truyền tải thông tin khác nhau.

Vào thời Đức Phật phương pháp của Ngài và Thánh chúng là đi du hành khất thực và thuyết pháp từ kim khẩu của mình, bằng tất cả tâm lực từ bi hạnh nguyện vị tha và oai nghi khả kính của Phật và Thánh chúng đã làm cho những người nghe được lợi lạc và chuyển hóa. Vào thời Chư vị Tổ sư vẫn là du hành và truyền miệng, nhưng dần về sau Chư vị tổ sư đã có được phương tiện hiện đại hơn để lưu giữ lời Phật dạy hay những lời giảng giải của Chư tổ và Tăng chúng đó là chữ viết. Chữ viết ra đời được xem là một sự sáng tạo tiến bộ vượt bậc của con người và nó tồn tại cho đến ngày nay để làm phương tiện truyền thông chính yếu trong cuộc sống.

Cho đến thời điểm này, việc lưu giữ âm thanh và hình ảnh không còn là vấn đề nan giải đối với con người nữa. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã giúp con người lưu giữ và truyền tải những gì đã và đang xảy ra một cách dễ dàng nhất đến với cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, truyền thông Phật giáo thời hiện đại có nhiều cơ hội và nhiều phương tiện để truyền đạt giáo pháp hơn các thời kỳ trước kia.

– Áp dụng các công nghệ kỹ thuật trong các công tác truyền thông là cơ hội lợi ích rất lớn để truyền tải, hoằng dương giáo pháp..

Như trên đã nói, khi có những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại chúng ta có thể dễ dàng xem, lưu trữ, tìm kiếm… Chẳng hạn như 1 bộ sách kinh quý, theo thời gian sẽ bị hỏng, mục nát. Nhưng nếu được soạn thảo, lưu trữ dưới dạng file word và pdf thì ta có thể sao chép thành rất nhiều bản trong thời gian ngắn, không tốn nhiều công sức và đặc biệt khi bộ kinh đó được đăng tải trên các trang mạng thì sẽ được bảo quản lâu, rất khó mai một, có vô số người được tiếp cận, được đọc vì thế mà được lưu trữ lâu dài. Như vậy đó là lợi ích, ưu điểm thứ nhất của việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp của đức Thế Tôn mà chúng ta dễ dàng thấy được.

Bên cạnh đó, việc đăng tải các video, bài pháp thoại của các vị thầy đức hạnh, tu chân chính có khả năng diễn giải một cách dễ hiểu giáo lí của đức Phật trên mạng xã hội hay đơn giản chỉ là những bài chia sẻ kinh nghiệm tu tập của các vị tôn túc trên kênh Youtube, website…. khi đăng tải như vậy sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem với mỗi video và như thế số người được xem, được tiếp cận, được mở rộng một cách đáng kể (khi họ có trong tay thiết bị điện thoại thông minh hay cái máy tính có kết nối internet với vài cái click chuột rất đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng ngay cả khi ở nhà hay bất cứ nơi đâu) số lượng người được thấy biết rất lớn chứ không còn gò bó, giới hạn chỉ 100 người hay vài chục người tham dự khi chỉ diễn ra trong hội trường, giảng đường vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép.

Hoặc khi diễn ra buổi pháp thoại đó có những người vì bận công việc, vì gia duyên, vì khoảng cách địa lí… họ không thể đến tham dự được nhưng nếu bài pháp thoại đó được đăng tải trên mạng thì họ vẫn có thể xem, học tập những gì mà vị thầy đã truyền dạy. Thêm vào đó là những người đã tham dự buổi pháp thoại hôm ấy về nhà họ vẫn có thể xem lại nhiều lần, có thời gian để nghiền ngẫm, suy nghĩ kĩ hơn về những điều đã được truyền dạy, thậm chí khi những vị đó không còn đủ sức khỏe để đi giảng dạy hay đã tịch thì thế hệ sau vẫn được nghe những lời chỉ dạy của người.

Không những thế, ứng dụng công nghệ kỷ thuật vào việc truyền bá chánh pháp của Phật giáo còn là việc sử dụng mạng xã hội như: trang cá nhân Facebook của mình để phát trực tiếp (livestream) những thời tụng kinh, tu tập ở các đạo tràng giúp cho mọi người có thể tham dự vào thời tụng niệm đó cùng thời điểm mặc dù không cùng địa điểm, khoảng cách địa lí đã bị xóa tan thay vào đó họ được gặp nhau trong những tâm niệm hướng đến sự thánh thiện, cùng sách tấn nhau tu tập.

Hay như việc quý Tăng Ni hay Phật tử sử dụng facebook của mình để đăng tải những dòng trạng thái tích cực, truyền năng lượng bình an đến với những người hữu duyên đọc được…, Và cũng có thể là việc chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đại chúng tu tập, chia sẻ một bài kinh ý nghĩa trên trang facebook của mình để biết đâu có ai đó họ đang buồn, đang đau khổ về những điều không mong muốn trong cuộc sống họ đọc được những điều này và từ đó nhận chân ra được sự thật về cuộc đời và có những suy nghĩ tích cực hơn giúp họ vơi đi phần nào nỗi khổ niềm đau do nghiệp mình đã tạo từ nhiều đời trước hoặc sẽ mạnh mẽ hơn để đương đầu với nghiệp…..

– Tồn tại rất nhiều khiếm khuyết khó khắc phục.

Như chúng ta đã biết, mạng xã hội không dành riêng cho ai, ai cũng có quyền đăng tải và xem bất cứ cái gì trên đó khi được để chế độ công khai (public) vì thế mà có một số kẻ xấu đã lợi dụng để trà trộn vào, lồng ghép vào những giáo điều sai trái, truyền bá tư tưởng bất thiện làm sai lệch đi ý nghĩa thánh thiện giải thoát của kinh điển. Hay sự đăng tải các bài giảng của một số Tăng Ni vì trải nghiệm chưa đủ, còn thuyết giảng với tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm của cá nhân và cho rằng đó là ý của Phật vì thế làm sai lệch, mất đi giá trị bài pháp thoại theo đúng nghĩa của nó.

Từ đó khiến những người sơ cơ học đạo, mới tìm hiểu về giáo lí giác ngộ của Đức Phật bị mơ hồ, nghi hoặc, chao đảo thậm chí làm thối lui tâm bồ đề ban đầu của họ bởi thật giả lẫn lộn hay dẫn đến những tư tưởng lệch lạc cho rất nhiều người vì họ chưa đủ sức để phân biệt đâu là chính pháp đâu là tà và tất cả những video đó tràn lan không có sự quản lí chuyên nhất.

Không những thế, sử dụng internet phần lớn là những người xuất gia trẻ, là học sinh, sinh viên – những người cả tin, luôn tò mò muốn biết mọi thứ nhưng họ chưa có kinh nghiệm sống, còn non nớt, thiếu chín chắn, luôn quyết định và hành động nhanh, hấp tấp, vội vàng vì thế mà rất dễ bị lợi dụng niềm tin tôn giáo, lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà giáo, mê tín dị đoan hay những nhóm người lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để “buôn thần bán thánh” trục lợi cá nhân làm lòng người thêm hoang mang, lo sợ.

Thêm vào đó là sự giả mạo trang facebook của chùa, của Tăng Ni có uy tín để lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người khác nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân ích kỉ như phá hoại thanh danh, lừa tiền của những người hảo tâm. Họ sao chép các bài đăng từ trang chính thức về trang giả mạo của mình mà không ghi rõ nguồn bài viết được lấy từ đâu, họ tùy tiện trả lời những dòng bình luận (comment) với danh xưng “thầy” với “con” làm người khác lầm tưởng rằng đó là quý Thầy, hay vị thầy mình quý kính đang trả lời câu hỏi của mình. Và như thế họ đang bị lừa dối mà không hề hay biết và hiểu sai về thầy mình. Thật đáng buồn vì điều đó! Bởi lẽ những người giả mạo được một lần sẽ có lần hai và họ thấy việc giả mạo đó không khó, không bị pháp luật trừng trị nên ngang nhiên tiếp diễn hành động xấu xa đó.

Tương tự như vậy, là các nhóm từ thiện, thiện nguyện nhằm mục đích lừa đảo được ẩn giấu dưới danh xưng mang khuynh hướng Phật giáo như nhóm “Những câu chuyện kể về luật nhân quả” trên facebook. Họ chuyên đăng tải hình ảnh và câu chuyện những người bị nạn, ốm đau, chết chóc, nghèo khổ cần được hỗ trợ kinh phí, kêu gọi quyên góp vào số tài khoản: xyzabc… với những câu chuyện thê lương dễ làm mềm lòng những người hảo tâm cả tin từ đó chuộc lợi cá nhân và những trang web nói là giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật nhưng lại trục lợi cho bản thân – cái này còn nhiều hơn cả dị giáo… nó xảy ra xung quanh mình nhiều không kể hết và không có cơ quan nào kiểm soát nổi mà chỉ trông chờ vào sự tỉnh thức và lí trí của những người đọc được nó. Không những thế, điều đó còn làm ảnh hưởng xấu, tai tiếng cho pháp bố thí của những người chân chính.

Bất cập tiếp theo của việc ứng dụng phương tiện truyền thông vào việc truyền bá chánh pháp là việc bị các hãng quảng cáo tự ý chèn video, hình ảnh quảng cáo không phù hợp vào bài thuyết pháp cần sự tôn nghiêm hoặc các bài quảng cáo làm gián đoạn video thuyết pháp, gián đoạn dòng suy nghĩ của người thính pháp. Đó là vấn đề hết sức nan giải và chưa có cách giải quyết triệt để. Những video thuyết pháp thường bị tùy tiện chèn quảng cáo vào vì họ biết được đó là những video có hàng triệu lượt xem vì thế mà quảng cáo của họ cũng sẽ có hàng triệu lượt xem mà không tốn phí.

Việc ghi hình, quay video, đăng tải bài thuyết pháp lên trang mạng gần như các Tăng Ni và phật tử chưa tự làm được do thiếu phương tiện máy móc hoặc thiếu kĩ năng sử dụng máy tính, sử dụng phần mềm chuyên dụng mà còn phải thuê mướn nên tốn kinh phí nhiều vì thế mà không phải bài thuyết pháp nào cũng đủ nhân duyên để được xuất hiện trên mạng xã hội.

Bị ảnh hưởng bởi trình độ dân trí nên có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, nhìn chung ở thành thị cơ hội được tiếp cận với internet với các thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, máy chiếu…) dường như dễ dàng hơn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mức độ ứng dụng phương tiện truyền thông vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo ở thành phố cao hơn nông thôn.

  1. Tổ chức truyền thông trong Phật giáo.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông trong thời hiện đại và hội đủ cơ duyên nên tại Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo lần thứ VII (2012 – 2017) Ban thông tin truyền thông Phật giáo đươc thành lập kết hơp với đài truyền hình An viên. Đây chính là cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với những định hướng và nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Ban thông tin truyền thông được quy định cụ thể trong nội quy hoạt động như:

– Nhiệm vụ về thông tin: “Hộ trì Chính Pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọa, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật.

Đảm bảo mọi thông tin của Giáo hội ra bên ngoài, trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội theo nguyên tắc trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo tu chính lần thứ V “Sự thống nhất của Phật Giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”;

Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bảo đảm kỹ thuật và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh về thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng máy tính và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật trong trường hợp an toàn, an ninh về thông tin nói riêng và uy tín danh dự nói chung của thành viên hoặc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị đe dọa bởi bất cứ mối nguy hại nào từ bên trong hoặc bên ngoài Giáo hội”.

Nhiệm vụ về truyền thông“Thực hiện truyền bá Chính Pháp thông qua việc ca ngợi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo Phật nói riêng, hướng Phật tử và đạo hữu cũng như toàn thể đồng bào cùng đến với chân, thiện, mỹ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa Giáo hội và các cá nhân, tổ chức bên ngoài để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa đạo và đời nhằm nâng cao vai trò của Phật giáo trong đời sống nhân dân, hộ trì hoằng dương Phật pháp, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc trên thế giới. Phối hợp với các cơ quan các cấp có thẩm quyền của Nhà nước hoặc của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền về Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc xử lý đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam”[4].

Sự thành lập Ban thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các Ban thông tin truyền thông của Tỉnh, Thành hội Phật Giáo, các huyện Thị, thành phố trực thuộc Tỉnh Hội, đánh dấu một bước ngoặc phát triển mới cho Phật giáo Việt Nam.

Từ khi thành lập Ban thông tin truyền thông cho đến nay, với sự vận hành theo đường lối chủ trương định hướng của Giáo hội và thực hiện đúng tinh thần trong nội quy hoạt động của chuyên ngành truyền thông đã giúp Phật giáo Việt Nam ngày một thêm khởi sắc. Cụ thể nhất, đó chính là nhiều trang website, facebook, kênh truyền hình trực tuyến…chính thống của tổ chức Phật giáo được thành lập như: phatgiao.org, giaohoiphatgiaovietnam.vn, banhoangphaptw.vn, giacngo.vn, kênh truyền hình An viên, kênh truyền hình Phật sự oline… và các trang website của các tỉnh, thành phố, huyện thị, thành phố trực thuộc tỉnh…trong cả nước cũng đều được thành lập.

Đây chính là cơ hội để cho Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng dân tộc, cùng xã hội trong thời hội nhập. Việc tuyên truyền đúng chánh pháp trên các kênh truyền hình Phật giáo cũng như trên các trang web và facebook hay các trang mạng xã hội giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội được tiếp cận về giáo lý kinh điển một cách chính thống và tìm hiểu về đạo Phật một cách rõ ràng cụ thể, để từ đó có cái nhìn chánh kiến và áp dụng vào trong đời sống hàng ngày.

Đồng thời đánh dấu thêm một sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không chỉ trong nước mà còn có thể tuyên truyền giao lưu với Phật giáo của các nước trên thế giới cũng nhờ vào phương tiền truyền thông hiện đại.

Những hạn chế và bất cập

Ngoài những lợi ích thiết thực đã đạt được nêu trên, bên cạnh vẫn còn tồn đọng những hạn chế và bất cập trong truyền thông Phật giáo. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến sự hạn chế và thách thức trong truyền thông Phật giáo thời hiện đại.

– Nguyên nhân khách quan:

+ Sự mới mẻ của phương tiện truyền thông khi tiếp cận sâu về chuyên môn. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên mà truyền thông Phật giáo đang vấp phải. Hầu hết Phật giáo được kế thừa và phát triển trên một lộ trình chuẩn mực từ truyền thông bằng phương thức văn bản, sách, vở và báo đài, truyền hình… từ tổ chức của nhà nước phát hành; và tự thân của tổ chức Phật giáo chưa đươc tự đứng ra làm điều ấy bao giờ. Chính vì vậy, khi tiếp cận sâu đến chuyên môn về phương tiện truyền thông thì không đáp ứng được các nhu cầu cần yếu của nó, làm cho khán thính giả cảm thấy nhàm chán. Ví dụ như: – kỷ năng chụp ảnh, quay phim,.. khả năng viết bài hay trình bày một bản tin Phật sự ngắn gọn. Sự nắm bắt tốt về giáo lý Phật giáo hay có kiến thức tổng hợp để viết hay xây dựng một bản tin chất lượng về hình thức lẫn nội dung…

+ Sự điều hành và liên kết của tổ chức chưa được thống nhất chặc chẽ giữa các Ban ngành, giữa địa phương này với địa phương khác, từ trung ương tới địa phương. Đây chính là nguyên nhân thứ hai làm cho sự truyền thông của Phật giáo bị bất cập và gián đoạn, đồng thời không có sự liên kết thống nhất với nhau trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Việc không kiểm soát được những thông tin sai lạc trên hệ thống mạng xã hội cũng xuất phát từ sự quản lý điều hành của tổ chức không chặc chẽ.

+ Thiếu phương tiện để thực hiện công tác truyền thông. Để công tác truyền thông đạt được hiệu quả cao thì phương tiện truyền thông phải hiện đại và tiên tiến như: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm… Sự đầu tư vào phương tiện truyền thông của các tổ chức giáo hội Phật giáo hiện nay còn rất hạn chế và khiêm tốn, vẫn còn mang tính tự túc theo khả năng kinh tế của mỗi vùng miền….

– Nguyên nhân chủ quan:

+ Nhân sự hay còn gọi là yếu tố con người. Đây chính là yếu tố rất quan trọng đối với một tổ chức làm công tác truyền thông. Vì sao nói con người là yếu tố hết sức quan trọng như vậy ? Vì truyền thông Phật giáo có đặc thù riêng biệt, là sự chuyển tải thông điệp đạo đức, tình thương và chân lý sống, mang đến sự bình an và hạnh phúc thịnh vượng cho con người. Vì vậy, nếu người làm truyền thông mà không có tâm lực và sự yêu thích với công việc truyền thông thì không thể mang thông điệp ấy đến với mọi người được.

Sự hạn chế của truyền thông Phật giáo trong thời hiện đại, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam ngày nay chính là yếu tố con người. Việc thiếu kiến thức về chuyên môn hay phương tiện truyền thông không phải là yếu tố quan trọng trong việc truyền tải giáo pháp và thông điệp bình an và hạnh phúc đến mọi người. Nếu một người làm công tác truyền thông có được tâm lực yêu thích chuyên môn ấy thì sẽ tự động trau dồi những kiến thức về chuyên môn và các điều kiện kèm theo khác. Người có tâm làm công tác truyền thông sẽ thể hiện ở sản phẩm truyền thông của mình với các ưu điểm: chỉnh chu, hoàn thiện, súc tích, đầy đủ ý nghĩa và truyền tải được thông điệp bình an đến với khán thính giả…cho dù phương tiện truyền thông có bị hạn chế và lỗi thời.

+ Người làm công tác truyền thông như không hiểu về tác dụng của truyền thông.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến sự bất cập và gây tác hại rất lớn đến cá nhân và tổ chức Phật giáo. Sự thiếu kiến thức căn bản về truyền thông của những người đảm nhận công tác truyền thông trong Phật giáo là điều hết sức nguy hại, chính vì không nắm rõ tác dụng thuận nghịch của truyền thông lên quần chúng nên đã đăng tải những thông tin hình ảnh làm khán thính giả nhận thức sai lệch về cá nhân cũng như về tổ chức Phật giáo.

+ Người lãnh đạo trong công tác truyền thông: Sự thành công của truyền thông trong Phật giáo thời hiện đại là sự kết hợp của một tổ chức trong đó mỗi cá nhân phải làm việc bằng tâm nguyện lực yêu thích chuyên môn của chính mình. Nhưng để cho một tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả, khai thác triệt để sự nhiệt tâm của các thành viên trong tổ chức ấy thì người lãnh đạo đóng một vai trò hết sức trọng yếu. Người lãnh đạo trong tổ chức truyền thông Phật giáo cần phải có những yếu tố cần thiết như: Đạo đức, nhiệt quyết, kiến thức Phật học, kiến thức chuyên ngành, có tầm nhìn xa. Ngoài những tố chất bên trong ấy, người lãnh đạo truyền thông Phật giáo cần phải kề cận, khích lệ tinh thần và nhất là tạo điều kiện tối đa cho các thành viên trong tổ chức.

Trên thực tế truyền thông Phật giáo Việt nam chúng ta đang vấp phải những yếu tố bất cập nêu trên. Vì vậy Giáo Hội chúng ta mới tổ chức những khóa tập huấn Nghiệp vụ Truyền Thông Phật Giáo tại Chùa Ba Vàng, Tp. Uông Bí tỉnh Quảng Ninh; khóa tập huấn về Thông tin Truyền thông của Ban thông tin truyền thông Trung Ương tại Văn phòng II, GHPGVN; khóa tập huấn Truyền thông Phật giáo và Nghiệp vụ Thư ký tại Chùa Phật Quang, Tp. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang và hôm nay là Khóa tập huấn Truyền thông Phật giáo và Công tác hành chánh Văn phòng tại huyện đảo Phú Quốc.

Mục đích của các khóa tập huấn là để đào tạo trao đổi kiến thức, truyền trao những kinh nghiệm cho những người quản lý và làm công các tác truyền thông Phật giáo. Bên cạnh đó, giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông đối với Phật giáo trong thời hiện đại, nhằm khắc phục những điều khiếm khuyết mà Phật giáo đang mắc phải trong những thời gian qua trong công tác truyền thông.

  1. Những điều cần yếu của người làm công tác truyền thông trong Phật giáo.

– Ý thức được tầm quan trọng của truyền thông Phật giáo trong thời hiện đại.

– Ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác hoằng truyền giáo pháp Phật đà.

– Trao dồi kiến thức Phật học căn bản và kiến thức nghiệp vụ chuyên môn.

– Ý thức được mình là một thành viên của tổ chức giáo hội Tăng già.

– Nắm rõ nội dung vai trò và trách nhiệm của của Ban thông tin truyền thông[5].

– Nắm rõ mục đích của truyền thông trong tổ chức Phật giáo trên các thông tin đại chúng, như  website, facebook…. là truyền tải giáo pháp làm cho khán thính giả có được sự nhìn nhận chánh kiến. Bên cạnh đó là phục vụ cho một số yếu nhân đặc biệt và cho một cơ quan tổ chức đó. Cụ thể là tổ chức Phật giáo.

Vd: website giacngo.vn hay tòa soạn báo giác ngộ là cơ quan ngôn luận của Thành hội TP.HCM phục vụ cho Phật sự Phật giáo TP.HCM. website Phatgiaolongan.com là trang thông tin chính thống của Phật giáo tỉnh Long An phục vụ cho Phật sự Giáo hội Phật giáo Long An và những hoạt động của Chư tôn đức lãnh đạo của Phật giáo tỉnh đó…

– Khi đăng tải những thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng: về nội dung: phải chính xác, ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ ý nghĩa, dễ hiểu và dễ nhớ. Về hình ảnh: phải đẹp, trang trọng, sạch không bị rác, bố cục rõ ràng, không bị lem nhòe…

– Tâm huyết, đam mê và sáng tạo trong công tác truyền thông Phật giáo.

– Tránh truyền tải những thông tin mang tính chất chia rẽ, kích động gây mất đoàn kết nội bộ, “ẩn ác dương thiện”.

– Không phải người làm công tác truyền thông của tổ chức truyền thông Phật giáo mới là người truyền tải những thông điệp bình an đến cho mọi người, mà là tất cả chúng ta đều có thể làm công tác truyền thông truyền tải giáo lý Phật đà và những thông điệp bình an và hạnh phúc đến cho mọi người bằng sự tu tập tâm từ, bằng hành vi, lời nói và ý nghĩ như chánh pháp. Chúng ta cũng có thể làm công tác truyền thông hiệu quả nhất.

 

III. KẾT LUẬN

Truyền tải giáo điển, kinh pháp cho mọi người hiểu rõ lời Phật dạy và ứng dụng thực hành để chuyển hóa khổ đau, xây dựng hạnh phúc an vui là nhiệm vụ của mỗi người con Phật. Không kể là xuất gia hay tại gia, đệ tử Phật phải chung sức gánh vác sứ mạng hoằng pháp, đem ánh sáng Chánh pháp soi sáng cuộc đời, thông qua sự tu học của chính mình để làm lợi ích cho bản thân và cho xã hội.

Với thời hiện đại, việc truyền tải thông tin đến người đọc người nghe mà khiến họ trở nên thích thú tìm hiểu giáo pháp, hâm mộ Phật pháp, kính ngưỡng tổ chức Tăng đoàn chẳng phải là chuyện dễ dàng. Phải nỗ lực rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm trau giồi trí thức và hội tụ đầy đủ tâm lực, nguyện lực khi đó mới chinh phục được khán thính giả.

Sự thành công của công tác truyền thông Phật giáo thời hiện đại phải có đầy đủ những yếu tố: trình bày vấn đề theo trình tự, hiểu rõ về giáo pháp đang trình bày, mục đích đăng tải thông tin xuất phát từ lòng từ bi, không phải vì cầu danh lợi, và đặc biệt nhất là những thông tin được trình bày không làm hại cho mình và người.

Tóm lai, Truyền thông Phật giáo trong thời hiện đại với đầy đủ các phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp đức Phật, truyền tải những gương hạnh cao quý của Tăng đoàn, truyền tải những công tác Phật sự quan trọng của Phật giáo đến với cộng động xã hội trong cũng như ngoài nước. Mục đích cuối cùng của truyền thông Phật giáo là công tác hoằng truyền giáo pháp, chuyển hóa khổ đau, đem đến sự bình an hạnh phúc và thịnh vượng cho người đọc người nghe. Đồng thời chấn chỉnh kịp thời những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng đoàn, đem lại chánh kiến cho những người con Phật. Bên cạnh đó là sự định hướng về tư tưởng, về sự phát triển của tổ chức Phật giáo Việt Nam nói riêng và cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới.

Kính chúc khóa tập huấn thành công tốt đẹp, kính chúc tất cả quý vị đều thành tựu như ý nguyện.
Nguồn: www://phatsuonlone.com