Phật giáo Gia Lai: Vượt qua khó khăn, tạo đà phát triển


Trên bước đường phụng sự và hòa mình vào dòng chảy chung của Phật giáo cả nước, những người con Phật nơi phố núi Gia Lai luôn biết cách khắc phục mọi khó khăn, vận dụng một cách khế lý khế cơ thực tiễn hiện hữu để tạo nên những bước phát triển đáng ghi nhận. 

Nỗ lực không ngừng 

Hồi tưởng về những ngày đầu khó khăn sau khi tách tỉnh, HT.Thích Tâm Tường, UV HĐTS, Trưởng ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Gia Lai cho hay, giai đoạn từ năm 1998 đến 2012 với thành phần BTS còn non trẻ do HT.Thích Tư Hương làm Trưởng BTS, được xem là thời kỳ khó khăn nhất của Phật giáo Gia Lai. 

“Nhưng nhờ sự lãnh đạo nhu hòa, đức độ của HT.Thích Từ Hương, Phật giáo Gia Lai dần đi vào ổn định tạo tiền đề cho sự phát triển nhịp nhàng về sau. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 93 cơ sở thờ tự, gần 500 tu sĩ hoạt động tu tập, hành đạo. Nhờ những hoạt động tích cực của nhiệm kỳ vừa qua mà Phật giáo tỉnh nhà dần ổn định và bắt đầu có những bước phát triển, thể hiện qua việc: tổ chức cơ sở, ban ngành được củng cố; công tác Phật sự đạt nhiều hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu Tăng Ni, Phật tử”, HT.Thích Tâm Tường khẳng định. 

Trong đó, theo HT.Thích Tâm Tường, nét nổi bật đầu tiên phải kể đến là hoạt động Tăng sự, cụ thể là việc tổ chức Đại giới đàn Cam Lộ - Giác Ngộ 2015. Phát huy thành quả đạt được từ Đại giới đàn năm 2010, BTS GHPGVN tỉnh tiếp tục tổ chức Đại giới đàn Cam Lộ - Giác Ngộ năm 2015 tại chùa Minh Thành và chùa Bửu Sơn, TP.Pleiku diễn ra 6 ngày, truyền giới cho 245 giới tử xuất gia và hàng trăm giới tử tại gia thọ Thập thiện và Bồ-tát giới. Đại giới đàn lần 2 này được đánh giá thành tựu viên mãn khi thành phần Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Thập sư gồm chư tôn giáo phẩm có đạo hạnh, uy tín tại nhiều địa phương, giới trường trang nghiêm và giới tử thiết tha cầu pháp. 
 
Hinh 1.jpg
Đại giới đàn Cam Lộ -  Giác Ngộ tổ chức tại Gia Lai vào năm 2015
“Đây là đại giới đàn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Gia Lai trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, duy trì mạng mạch người xuất gia, góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội vững mạnh trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ”, HT.Thích Tâm Tường nhấn mạnh. 

Cũng liên quan đến hoạt động của ngành Tăng sự, dù nằm ở vùng cao, xa xôi nhưng công tác tổ chức các khóa an cư kiết hạ hàng năm cũng là một điểm sáng của PG tỉnh nhà. Thực hiện chủ trương của TƯGH, Phật giáo tỉnh Gia Lai đều đặn tổ chức an cư riêng biệt từ 5 đến 6 đạo tràng dành cho chư Tăng Ni hành giả trong suốt nhiệm kỳ qua. Các đạo tràng tu học mùa hạ dần quen thuộc đối với hàng Phật tử tại gia phố núi, có thể kể đến như: Tại TP.Pleiku có chùa Bửu Thắng hay chùa Bửu Nghiêm dành cho chư Tăng Bắc tông; chùa Bửu Sơn dành cho chư Ni Bắc tông; tịnh xá Ngọc Phúc dành cho chư Tăng Hệ phái Khất sĩ; tại thị xã Ayun Pa có chùa Bửu Tịnh dành cho chư Tăng Bắc tông; tại huyện Đak Pơ có chùa Quy Sơn dành cho chư Tăng Bắc tông; tại thị xã An Khê có tịnh xá Ngọc Trung dành cho chư Ni Hệ phái Khất sĩ. 

Nỗ lực tiếp theo nằm ở hoạt động của ngành giáo dục và công tác văn hóa Phật giáo. Về giáo dục, chỉ trong vòng 5 năm, BTS GHPGVN tỉnh đã giới thiệu trên 100 Tăng Ni đi học các trường sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và Học viện PG tại các trường Phật học trong cả nước cùng nhiều Tăng Ni du học nước ngoài. Không những thế, bằng sự cố gắng tự thân, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Gia Lai đã được thành lập, hoàn tất khóa thứ 1 với 70 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang trong quá trình đào tạo khóa thứ 2 với 60 Tăng Ni sinh theo học. Đây là hướng đi tích cực của Phật giáo Gia Lai, góp phần cùng cả nước chăm lo sự nghiệp đào tạo Tăng tài và quan tâm giáo dục mầm non cho tương lai đất nước. 

Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, Phật giáo tỉnh đã hoàn thành công tác viết tiểu sử các tự viện trong tỉnh, biên soạn sách Lịch sử Phật giáo Gia Lai (1930-2012), sách Chư tôn thiền đức Phật giáo Gia Lai, tạo nên những tư liệu quý, căn bản để tìm hiểu về Phật giáo vùng đất này. 

Chung tay cho sự phát triển 

Đến thời điểm hiện tại, Phật giáo tỉnh Gia Lai có 93 cơ sở tự viện (gồm 72 chùa, 1 thiền viện, 3 niệm Phật đường và 17 tịnh xá) với 461 vị Tăng Ni tu học. Toàn tỉnh hiện có 5 vị tiến sĩ Phật học, 5 vị thạc sĩ, 36 vị cử nhân Phật học, 6 vị tốt nghiệp cao đẳng và 28 vị tốt nghiệp trung cấp Phật học. 

“Với một tỉnh tọa lạc nơi vùng cao, khó khăn trong di chuyển đi lại, địa bàn phân bố rộng và dàn trải thì đây chính là nguồn lực to lớn có khả năng đảm trách công tác Phật sự ở nhiều phương diện khác nhau, giúp Phật giáo tỉnh nhà phát triển và bước lên một tầm cao trong tương lai”, HT.Thích Tâm Tường tin tưởng. 

Theo vị đứng đầu Phật giáo tỉnh Gia Lai, nguồn lực không chỉ nằm ở giới xuất gia mà còn trong hàng cư sĩ tại gia khi địa phương này hiện có 39 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt với 382 huynh trưởng và 1.322 đoàn sinh. Các đạo tràng tu học dành cho Phật tử có mặt đều khắp tại các tự viện và thường xuyên tổ chức các khóa tu Bát quan trai giới hàng kỳ. Trong đó, bắt đầu có sự xuất hiện lượng tín đồ là người dân tộc thiểu số sinh hoạt tại huyện Ayun Pa, huyện Chư Sê. Điều đặc biệt là bà con biết lồng ghép âm điệu cồng chiêng xen kẽ trong nghi lễ Phật giáo; biết chắp tay, niệm Phật, lễ Phật - một tín hiệu tốt cho tương lai tươi sáng của người đồng bào dân tộc và Phật giáo. 

Không những thế, về tổ chức hành chính, 11 ban ngành chuyên môn giúp việc trực thuộc BTS Phật giáo tỉnh được thành lập, hoạt động năng nổ và nhiều đổi mới. Ở cấp huyện thì đã có 11/17 huyện, thị tổ chức thành công Đại hội suy cử BTS nhiệm kỳ mới (2016-2021) gồm: thị xã Ayun Pa, các huyện Phú Thiện, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang, Đak Pơ và Đak Đoa. 

Với nền tảng như trên, HT.Thích Tâm Tường khẳng định, hoạt động Phật sự tỉnh nhà sẽ có những điểm nhấn và phát triển trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, Phật giáo tỉnh xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm cho 5 năm tiếp theo, bao gồm: Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp; quan tâm đến việc hoằng dương Chánh pháp, thúc liễm thân tâm để trang nghiêm Giáo hội; bồi dưỡng lớp Tăng Ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, đáp ứng nhu cầu của Giáo hội thời đại mới; phát triển cơ sở thờ tự ở vùng sâu vùng xa, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng quần chúng Phật tử; duy trì tổ chức các ngày lễ truyền thống của Phật giáo; lập kế hoạch xây dựng kinh tế tài chánh, tạo nguồn kinh phí hoạt động ổn định cho Giáo hội, mở rộng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. 

Để cụ thể hóa 6 nhiệm vụ cơ bản, HT.Thích Tâm Tường cho biết, Đại giới đàn Cam Lộ lần thứ III truyền giới cho Tăng Ni, Phật tử sẽ tiếp tục được tổ chức; về hoằng pháp, chú trọng quan tâm công tác thuyết giảng Phật pháp, đưa giáo lý Đức Phật vào cuộc sống, từng bước nâng cao nhận thức Phật tử học hiểu đúng Chánh pháp; có chính sách và mạnh dạn giao công việc cho Tăng Ni trẻ có cơ hội phục vụ Giáo hội, thu thập kinh nghiệm, kỹ năng nhằm tạo nên lớp kế thừa đáng tin cậy; tiếp tục triển khai công tác xây dựng cơ sở vật chất trường trung cấp Phật học tại xã Diên Phú, xây dựng văn phòng Ban Giám hiệu tại chùa Bửu Thắng, TP.Pleiku; nhân rộng mô hình của Trường Mầm non Từ Tâm Oanh Vũ; phối hợp thực hiện có kết quả dự án Núi Một (huyện Chư Păh), tượng đài Quan Thế Âm Bồ-tát tại Biển Hồ (TP.Pleiku). 

“Những Phật sự trọng tâm của của nhiệm kỳ 2017-2022 như vừa nêu được hoạch định trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, dựa vào những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tính khả thi có thể thực hiện, phù hợp với nhu cầu phát triển của Phật giáo tỉnh trong tình hình mới”, HT.Thích Tâm Tường khẳng định.


HT.Thích Tâm Tường, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai
 
Hinh 2.jpg
“Với sự đồng tâm hợp lực của BTS, sự chỉ đạo sát sao của TƯGH, sự hỗ trợ tích cực của cơ quan nhà nước, sự chung sức chung lòng của toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử, Phật giáo Gia Lai đã vượt mọi khó khăn trở ngại, hoàn thành nhiều công tác Phật sự quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành sau 4 nhiệm kỳ hoạt động. 
Điều dễ nhận thấy nhất của nhiệm kỳ vừa qua là BTS Phật giáo tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần lục hòa cộng trụ, hòa hợp, đoàn kết nội bộ, củng cố tổ chức cơ sở, quan tâm đến đời sống tu học, hành đạo của chư Tăng Ni với tinh thần tôn kính giới, trang nghiêm tự thân nhằm trang nghiêm Giáo hội. Nhờ vậy mà nhiều cơ sở tự viện mới được hình thành, đáp ứng phần nào nhu cầu tu học, khát ngưỡng tâm linh của đồng bào Phật tử, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới. Đa số các tự viện hiện hữu đều được trùng tu, nâng cấp làm thay đổi diện mạo Phật giáo Gia Lai, phù hợp với đà phát triển của xã hội và đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quần chúng Phật tử thập phương.”