Phật giáo Gia Lai: Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo cho chức sắc và chức việc Phật giáo tỉnh.

Ngày 26/9 – 27/9/2019 (nhằm ngày 28 – 29/8 năm Kỷ Hợi), tại Hội Trường Viên Ngọc Xanh 1 – Khách sạn Pleiku Palace – 03 Nguyễn Tất Thành – Pleiku – Gia Lai, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo cho chức sắc, chức việc Phật giáo trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có: Ông Nguyễn Phúc Nguyên - Vụ phó Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Hồ Hải Tần - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai; Ông Nguyễn Văn Nô - Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai. Cùng hơn 200 đại biểu là chức sắc, chức việc Phật giáo trên địa bàn tỉnh Gia lai.

Khai mạc hội nghị, Ông Nguyễn Văn Nô phát biểu: “ Mục đích của Hội nghị là giúp cho các chức sắc và chức việc Phật giáo nắm bắt được luật tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về Phật giáo trong cộng đồng Tỉnh một cách ổn định. Qua đó, nắm vững toàn diện quan điểm và chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, để triển khai thực hiện, góp phần tuyên truyền hướng dẫn toàn thể bà con tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật”.

Trong 2 ngày các chức sắc và chức việc Phật giáo sẽ được Ông Nguyễn Phúc Nguyên - Vụ phó Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ trao đổi, cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết về Luật tín ngưỡng Tôn giáo thông qua đó lắng nghe ý kiến và đóng góp của chức sắc và chức việc Phật giáo để phát huy nguồn lực tôn giáo và đời sống xã hội.

Sáng ngày 26/8, Ông Nguyễn Phúc Nguyên đã điểm qua tình hình tôn giáo cũng như công tác quản lý tôn giáo, việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo trong tỉnh Gia lai trong những năm vừa qua. Đồng thời, ông cũng khẳng định tầm quan trọng của các chức sắc, các tín đồ tôn giáo đối sự phát triển của đất nước nói chung và Gia Lai nói riêng.

Thông qua những điểm chính về tình hình tôn giáo, Ông Nguyễn Phúc Nguyên cũng ghi nhận sự phát triển và chuyển biến nổi bật của Phật giáo như: “ Báo Giác Ngộ, Phật sự Online; Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và mở rộng quy mô như đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ trong 3 trường đại học Phật giáo ở Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế; Hơn 30 trường trung cấp trên địa bàn các tỉnh và các trường sơ cấp. Qua đó thấy được sự đứng đắn trong đào tạo Tăng tài của Phật giáo. Vừa qua Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ Vesak LHQ với sự tham dự đến từ 150 lãnh đạo và 1650 đại biểu quốc tế về tham dự. Các hoạt động từ thiện từ Giáo hội được thống kê với con số trên 1000 tỷ đồng, đó là một con số ấn tượng thể hiện sự chung tay chăm lo cho đời sống đồng bào...”.

Song qua đó còn có những hệ lụy và vấn đề cần giải quyết như những thông tin sai lệch, cực đoan, mâu thuẫn mất đoàn kết trong nội bộ... Chẳng hạn như dâng sao giải hạn ở các chùa, cúng rước vong thỉnh oan gia trái chủ dẫn đến việc thương mại hóa trong tôn giáo. Các tôn giáo khác kêu gọi, vay mượn giáo lý và lễ nghi Phật giáo để trục tư quyền lợi... Tuy nhiên Ban Tôn giáo cũng như GHPGVN đã phối hợp đển chấn chỉnh và giải quyết kịp thời những hệ lụy này.

Phật giáo được coi là tấm gương đạo đức tốt đẹp nên Giáo hội cần phải nghiêm khắc về đạo tào Tăng tài và đạo hạnh của Tăng Ni Phật tử để Phật giáo phát triển một ngày tốt hơn, tránh đi những hệ lụy trái chiều của dư luận xã hội làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo.

Chiều cùng ngày, Ông Nguyễn Phúc Nguyên chia sẻ với các chức sự và chức việc Phật giáo về 1 số nội dung về luật tôn giáo, tập trung về những tồn tại và khuất mắc còn tồn tại. Đồng thời các chức sắc và chức việc Phật giáo cũng có những câu hỏi đưa ra để thảo luận và giải quyết. Tiêu biểu là câu hỏi của Đại Đức Thích Nhuận Nhàn - Trưởng ban kinh tế Phật giáo tỉnh Gia Lai: “ Chẳng hạn như 1 mảnh đất của một vị đạo hữu cúng cho một vị thầy nào đó, nhưng không xây dựng lên chùa được, sau này xây dựng tịnh thất có được hay không?”.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên cũng có giải đáp về thắc mắc của Đại đức như sau: “ Luật chỉ quy định chung về công trình tôn giáo. Nhưng Hiến chương thì chùa, Tịnh xá, Tịnh thất đều có giá trị tương đương về mặt pháp luật. Nếu Tịnh thất chỉ thuộc về một cá nhân, không hoạt động, chỉ về tu tập 1 mình thì được với điều kiện không được tổ chức hoạt động Tôn giáo và sinh hoạt tập trung”.

Sáng ngày 27/9, Ông Nguyễn Văn Nô chia sẻ với các đại biểu về tình hình tín ngưỡng tôn giáo và cách hoạt động Phật sự trên địa bàn tỉnh Gia Lai về công tác từ thiện, xây dựng các tự viện mới và giáo dục Tăng Ni Phật tử.

Bế mạc hội nghị, Ông Hồ Hải Tần - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai trao đổi một số câu hỏi với các chức sắc và chức việc Phật giáo còn khuất mắc. Cuối cùng, hi vọng GHPG tỉnh Gia Lai phát triển trường Trung cấp Phật giáo Gia Lai để việc đào tạo Tăng tài được phát huy. Đồng thời, tán dương sự hi sinh và đóng góp của Tăng Ni các tự viện, các quỹ từ thiện trong thời gian qua đã giúp đỡ cuộc sống của đồng bào nhân dân khó khăn trong và ngoài tỉnh.

Thay mặt BTC, Ông Nguyễn Văn Nô gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến Quý Tăng Ni đã tham dự hội nghị và Ông Nguyễn Phúc Nguyên đã tham dự và chia sẻ về Luật tín ngưỡng tôn giáo giúp cho Hội nghị được thành công tốt đẹp.





Ban TT-TT PG tỉnh Gia Lai.